Kỹ thuật chăm sóc người bị tai biến

Kỹ thuật chăm sóc người bị tai biến
Ngày đăng: 31/07/2023 09:24 PM

CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH SAU TAI BIẾN

Hiện nay người tai biến ở Việt Nam đang tăng cao, lý do cơ bản chúng ta ở một nước đang phát triển, sự vận động bằng chân tay trở lên ít dần, thay vào đó ăn uống không đảm bảo vệ sinh dẫn đến các bệnh tật nhiều trong đó có bệnh tai biến rất phổ biến, không những tai biến ở người có bệnh nền cao tuổi như huyết áp và ngay cả các bạn trẻ cũng bị tai biến rất nhiều. Sau đây Phòng khám Y học cổ truyền BS. Dinh tư vấn các kỹ thuật vận động cơ bản như sau:

KỸ THUẬT VẬN ĐỘNG CƠ BẢN

1. Vận động động tác thô.

 1.1. Vận động thụ động

Trường hợp người bệnh mất khả năng tự thực hiện động tác, cần phải nhờ lực tác động trợ giúp hoàn toàn. Vận động thụ động cần thiết để duy trì tầm vận động của khớp, chống teo cơ và cứng khớp, dự phòng và điều trị đau do hạn chế vận động. Vận động thụ động có thể là:

 - Bằng tay và lực của người khác (kỹ thuật viên hoặc người trợ giúp khác), cố gắng giúp người bệnh thực hiện hết tầm vận động tối đa có thể được. Vận động khớp nhằm làm cho khớp được bôi trơn và mở rộng tầm vận động đối với khớp vận động hạn chế.

 Kỹ thuật: Người trợ giúp dùng một tay cố định phía trên khớp cần vận động, một tay vận động khớp theo tầm vận động của khớp. Nếu khớp bị hạn chế vận động thì cần kéo giãn khớp trong khi vận động nhưng phải hết sức chú ý đến phạm vi hoạt động của khớp lúc đó. Tránh làm quá mạnh gây đau đớn cho người bệnh.

 1.2. Vận động chủ động có trợ giúp

 Trường hợp người bệnh có khả năng tự vận động được nhưng còn khó khăn và không hết tầm vận động, cần có sự trợ giúp thêm để thực hiện hết động tác cần thiết. Sự trợ giúp có thể là từ KTV và người nhà, dùng chi lành giúp chi liệt, dùng một số dụng cụ trợ giúp như ròng rọc, con lắc, tập vận động dưới nước để giảm bớt trọng lực của chi thể…

 1.3. Vận động chủ động

 Khi bệnh nhân đã tự mình thực hiện được động tác, tuy chưa thực chính xác nhưng cần khuyến khích người bệnh tập vận động chủ động lập đi lập lại nhiều lần theo sự hướng dẫn của KTV. Khi tập vận động chi nên tập ở gốc chi trước, cố gắng tập hết tầm vận động khớp.

 1.4. Vận động có trở lực (vận động tăng tiến)

 Khi các động tác vận động chủ động đã khá hơn thì tiến hành tập có trở kháng như nâng vật nặng, kéo ròng rọc có lực nặng, kéo lò xo…

 2. Vận động phối hợp động tác

 Là tập các động tác liên hoàn nhau, bao gồm các bài tập vận động trị liệu ở các mức độ khác nhau, có thể tập tay không hoặc sử dụng các dụng cụ như:

 + Các bài tập thể dục dưỡng sinh…

 + Tập với ròng rọc: Giúp cải thiện tập vận động khớp vai.

 + Thanh song song: Để tập đứng, tập đi.

 + Thang gióng thể dục: Tập vận động chi trên, chi dưới, cột sống và toàn thân.

 + Xe đạp lực kế: Tập vận động chi dưới.

 + Các máy tập đa năng khác.

 3. Tập vận động dưới nước

 - Lợi dụng lực đẩy Archimède làm trọng lượng cơ thể và chi thể giảm đi tạo điều kiện thuận lợi cho tập vận động dễ dàng hơn.

 - Lợi dụng sức cản của nước để tạo lực đề kháng trong luyện tập.

 CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH

1. Chỉ định

 - Chống đau: Đau đầu, đau vai gáy, đau lưng mạn tính, đau cơ, viêm đau dây, rễ thần kinh.

 - Các trường hợp co cứng cơ: Liệt cứng, co cứng cơ do kích thích rễ, dây thần kinh.

 - Tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng cho da, dưới da, cơ, thần kinh trong các bệnh bại, liệt, teo cơ. Kích thích phục hồi dẫn truyền thần kinh trong tổn thương dây thần kinh ngoại vi hoặc tổn thương các đám rối thần kinh do các nguyên nhân khác nhau.

 - Thư giãn, chống mệt mỏi căng thẳng thần kinh, giảm stress. Phục hồi cơ bắp sau tập luyện thể thao hay lao động nặng.

 2. Chống chỉ định

 - Không xoa bóp trong giai đoạn đau cấp tính, khi các cơ đang trong tình trạng co cứng do phản ứng, lúc này xoa bóp sẽ có tác dụng kích thích làm tăng mức độ co cứng cơ.

 - Bệnh ác tính, các khối u, lao tiến triển.

 - Suy tim, suy gan, suy thận nặng, suy dinh dưỡng.

 - Các bệnh ưa chảy máu, các vùng đang chảy máu hoặc đe dọa chảy máu, các bệnh da liễu.

 - Không xoa bóp vào vùng hạch bạch huyết gây tổn thương và làm giảm sức đề kháng của cơ thể như: đám hạch quanh tai và thái dương, đám hạch khuỷu, đám hạch bẹn...

 - Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh nguyệt tránh xoa bóp vào vùng thắt lưng và vùng bụng.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline